Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
TruongTHPTNguyenDuDx
Thiếu kinh phí, nhiều tiết Hoạt động trải nghiệm bó hẹp trong khuôn viên trường
Vì tâm lý phụ huynh lo ngại sự an toàn của con em nên để tổ chức được thuận lợi các chuyến đi thực tế cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành kèm Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT (sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đó đối với hoạt động giáo dục bắt buộc là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở 3 cấp học được quy định như sau:

Đối với cấp tiểu học: Hoạt động trải nghiệm từ lớp 1-5 là 105 tiết/năm học.

Đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp từ lớp 6-12 cũng 105 tiết/năm học.

Hoạt động này có số tiết/năm học ngang bằng với các môn học khác nhưng hiện nay chưa có giáo viên chuyên ngành, sắp xếp bố trí còn nhiều vướng mắc. Do vậy, các trường phải triển khai, thực hiện linh động.

Đi thực tế giúp học sinh rèn luyện kỹ năng mềm, năng lực định hướng nghề nghiệp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Ngọc Tránh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Đắk Nông) cho biết, hiện nay nhà trường đang tổ chức hoạt động này đối với khối 10 theo đúng hướng dẫn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, nhà trường kết hợp với các giờ dạy lý thuyết trên lớp, những hoạt động trải nghiệmtrong khuôn khổ đơn vị như tham quan trực tiếp các phòng học bộ môn, thực hành thí nghiệm thì trường cũng tích cực tổ chức các hoạt động tham quan, thực tế ngoài trường cho học sinh.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành đã triển khai một số hoạt động cho học sinh đi trải nghiệm như giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng; làm công tác vệ sinh ở nghĩa trang liệt sĩ; tham quan các di tích lịch sử ở địa phương; các khu công nghiệp, cơ sở doanh nghiệp, sản xuất để các em tìm hiểu cách làm việc, giáo dục cho học sinh kỹ năng sống.

Mới đây nhất, trường tổ chức cho học sinh khối lớp 10 đi tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông kết hợp với cuộc thi hùng biện tiếng Anh trong khoảng thời gian 2 ngày 1 đêm. Tại địa điểm này, trường tổ chức cuộc thi giới thiệu bằng tiếng Anh về các địa điểm của công viên. Sau đó, quay lại phần giới thiệu làm tư liệu gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông.

Thiếu kinh phí, nhiều tiết Hoạt động trải nghiệm bó hẹp trong khuôn viên trường ảnh 1

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đem lại nhiều sự thích thú cho học sinh. Ảnh minh họa: TL

“Thông qua các hoạt động này, tôi có thể thấy rõ được sự hứng khởi, thích thú của các em học sinh, cho phép các em áp dụng những kiến thức mình có vào thực tế đời sống, rèn luyện kỹ năng mềm.

Ngoài ra, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực tự tìm tòi, học hỏi, giao tiếp, giải quyết vấn đề, thích ứng với cuộc sống và định hướng nghề nghiệp”, thầy Tránh nói.

Giáo viên tiếp cận với hoạt động mới nên còn lúng túng, bỡ ngỡ

Cũng theo thầy Tránh, tổ chức các hoạt động đem lại nhiều thay đổi tích cực đối với học sinh, tuy nhiên trong việc thực hiện, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, hiện nay, nhà trường chưa có giáo viên chuyên trách, vì vậy, riêng với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nhà trường phân công nhiều giáo viên thực hiện. Tùy theo nội dung giảng dạy, trường sẽ phân công người thực hiện có chuyên môn sát nhất để truyền tải hiệu quả kiến thức tới học sinh.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù đã được tập huấn nhưng các giáo viên này chỉ là kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản chuyên môn nên còn lúng túng, bỡ ngỡ trong việc triển khai làm sao hiệu quả nhất.

Thứ hai, khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện các chuyến đi thực tế. Chỉ với ngân sách của nhà trường thì không thể đáp ứng đủ cho tất cả học sinh khối 10. Vì vậy, trước khi lên kế hoạch tổ chức các chuyến đi, trường đều phải tổ chức huy động nguồn kinh phí từ các mạnh thường quân hoặc từ phụ huynh có tham gia hoạt động trải nghiệm này cùng các em học sinh.

“Thời gian tổ chức các chuyến đi thực tế thường là cuối tuần, trước đó phải tiến hành họp phụ huynh để phổ biến và trao đổi xem họ có đồng ý với kế hoạch của nhà trường không. Nếu thời gian tổ chức trùng với lịch học chính khóa sẽ phải lên kế hoạch dạy bù vào cuối tuần hoặc trái buổi”, thầy Tránh nhấn cho hay.

Để việc tổ chức được thuận lợi hơn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sư phạm chú trọng, sát sao trong việc đào tạo giáo viên đúng bộ môn này; hỗ trợ kinh phí cho các trường phổ thông để tổ chức các chuyến đi thực tế hiệu quả hơn.

Ngoài ra, sau một thời gian triển khai thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có buổi đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm để cho lãnh đạo các trường, giáo viên phản hồi những mặt được, chưa được. Từ đó, Bộ có cơ sở để chỉ đạo điều hành chung phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn.

Là hoạt động giáo dục bắt buộc nhưng rất khó để 100% học sinh tham gia

Cùng chia sẻ về việc triển khai hoạt động giáo dục bắt buộc này, thầy Phan Thành Trung, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (Bạc Liêu) bày tỏ sự tiếc nuối khi từ đầu năm đến giờ chưa thể tổ chức cho học sinh đi thực tế bên ngoài khuôn viên nhà trường.

Thiếu kinh phí, nhiều tiết Hoạt động trải nghiệm bó hẹp trong khuôn viên trường ảnh 3

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vẫn chủ yếu được giảng dạy trong khuôn viên nhà trường. Ảnh minh họa: PL

Muốn có những buổi đi thực tế, tham quan thì nhà trường phải lên kế hoạch chi tiết, bố trí sắp xếp thời gian sao cho hợp lý. Khi học sinh đều kín lịch học vào trong tuần thì tổ chức cho học sinh đi bao lâu, tổ chức học bù như thế nào là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng tránh tình trạng xáo trộn tổ chức dạy và học.

Một điểm khó nữa của nhà trường là vấn đề kinh phí, vì vậy Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu chỉ có thể tổ chức các hoạt động bó hẹp trong khuôn viên trường như xây dựng các câu lạc bộ để học sinh tham gia, những hội thảo, chương trình khám phá, tìm hiểu về lịch sử.

“Trước kia, đi thực tế chỉ là hoạt động tự nguyện tuy nhiên hiện nay các buổi đi thực tế là hoạt động bắt buộc để đánh giá đạt hay chưa đạt của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Tuy nhiên, qua những lần đi thực tế từ năm ngoái, tỷ lệ học sinh tham gia không cao. Với trường hợp học sinh không tham gia được các hoạt động này, nhà trường phải linh hoạt trong việc đánh giá dựa trên sự cố gắng của cả một quá trình, tạo thuận lợi cho học sinh

Vì tâm lý phụ huynh lo ngại sự an toàn của con em nên để tổ chức được thuận lợi các chuyến đi thực tế cần sự phối hợp “nhịp nhàng” giữa nhà trường, gia đình và xã hội”, thầy Trung nói.

Tương tự, Trường Trung học phổ thông Ninh Quới (Bạc Liêu) cũng chưa thể tổ chức các hoạt động bên ngoài nhà trường do vướng về mặt kinh phí, bố trí thời gian.

Ngoài ra, thầy Đặng Thành Lực, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết thêm, trường phải phân công nhiều giáo viên dạy từ ban giám hiệu, giáo viên của bên đoàn, đội, giáo viên bộ môn. Phụ thuộc từng nội dung tương ứng với chuyên môn của người nào thì công phân người đó dạy.